15/06/2014: Thư gửi ba!


(Cho con tìm lại hình ảnh của người cha thương con vô hạn, một người nông dân cần cù, chịu khó, không ngại vất vả để lo cho sáu đứa con ăn học nên người. Cho con tìm lại kỷ niệm của những ngày được sống bên ba, được ba chăm sóc, vỗ về. Cho con tìm lại ký ức của một thời gia đình mình được đầy đủ các thành viên).

Người ta thường nói thời gian có thể xóa nhòa đi tất cả, sẽ làm vơi đi những mất mát, sẽ xoa dịu đi những nỗi đau nhưng có lẽ với con thì khác…Đã gần 3 năm ngày con đến với mảnh đất này, đến với ngôi trường này và cũng là ngần ấy thời gian gia đình mình thiếu vắng đi một thành viên trụ cột, con phải sống xa ba mãi mãi. Mười tám năm được sống trên cõi đời này chưa bao giờ con phải trải qua một cú sốc mà có lẽ đến giờ con vẫn chẳng dám tin.

Còn nhớ những ngày đầu tháng tám của ba năm về trước, mặc dù kết quả thi đại học không đạt như mong đợi nhưng cũng như bao nhiêu đứa học sinh khác con cũng mong nhận được giấy báo nhập học để tiếp tục tiến trình học tập. Đó cũng là khoảng thời gian thỏa mái nhất mà con được ở bên ba sau 3 năm phải đi học cấp 3 xa nhà và cũng là khoảng thời gian mãi mãi trong cuộc đời con không bao giờ tìm lại được. Không phải lo nghĩ về bài vở, được ở nơi ngôi nhà của chính mình, được nấu những món ăn ngon cho ba, được ngồi xem thời sự cùng ba mỗi tối, được đấm lưng cho ba khi ba kêu đâu, được đỡ đần bớt phần gánh nặng công việc đồng án cho ba lúc mẹ vắng nhà, được và con được được nhiều thứ lắm nhưng con vô tư đâu hay biết rằng những ngày vui đó sẽ không còn nữa khi buổi chiều hôm ấy một tin dữ ập đến.

Cũng như mọi hôm ba vẫn đi làm bình thường nhưng khi có người chạy về báo tin ba mệt, ho và nôn ra máu thì mọi thứ như đổ sập xuống đầu con. Vội chạy theo người ta nhưng nước mắt lưng tròng, con cầu mong đó không phải là sự thật hoặc là ba chỉ mệt như mọi khi thôi, con sẽ lên chở ba về đi bệnh viện, trong thâm tâm con tự trấn an mình sẽ không sao cả mình phải bình tĩnh. Nhưng hỡi ôi, khi chạy đến nơi thì mọi thứ với con là quá khủng khiếp, con gào khóc và xin người ta mau đưa ba đi cấp cứu nhưng tấ cả đã quá muộn. Vị thần chết đưa ba đi nhanh quá, ông không để cho ba được về lại ngôi nhà mà cả đời ba gây dựng, không để cho ba được nhìn mặt vợ con lần cuối, không được nói những uất nghẹn trong lòng và không cho ai biết nguyên nhân của sự ra đi đột ngột.

Mọi thứ với nhà mình bị xáo trộn hết lên, ai cũng không tin và cũng không dám tin cái sự thật đau đớn này. Và chính ngày hôm ấy giấy báo nhập học của con được gửi về, cầm trên tay mà con nghĩ giá như không có chuyện ấy xảy đến thì buổi tối đó cả nhà sẽ quay quần bên mâm cơm sum họp với đầu bếp chính là ba và diễn viên chính là con, nhưng ở đời nào có ai biết trước được chữ ngờ…Có lúc con nghĩ chắc con phải ở nhà với mẹ, phải dừng việc học của mình lại hoặc chọn một trường cao đẳng ở dưới phố cho gần nhà để được gần ba, để còn chăm sóc mẹ và phụ mẹ những việc mà trước giờ ba mẹ vẫn hay cùng làm với nhau.
Những người trong xóm, trong thôn, trong xã vẫn nhắc đến ba - một người nông dân giỏi tuy không được đi học nhiều nhưng có những tư tưởng tiến bộ, một cán bộ thôn gương mẫu, một người chồng, một người cha tốt. Con vẫn biết rằng qua thời gian thì họ sẽ không còn nhớ nhiều về ba nữa nhưng mỗi khi nghe được những lời đó ở bất kỳ nơi nào mặc dù nước mắt vẫn rơi những con luôn tự hào rằng mình đã có một người ba tuyệt vời, dù ba có đi xa nhưng ba đã sống để đến lúc ra đi không phải hối tiếc.

Ba ơi! Ba có biết rằng rất nhiều dự định còn dang dở mà ba chưa làm không?

Ngày con đi thi đại học ba bận việc nên con đã tự đi, mà chính con muốn tự đi một mình mặc dù ba cũng nhờ người lo. Khi biết kết quả thi trên mạng ba hứa sẽ dẫn con đi nhập học, sẽ vào thành phố biển này chơi một chuyến, sẽ đưa con đi thưởng thức hải sản, đi tắm biển vì cả ba và con đều thích biển cả. Ba còn nhớ buổi chiều hôm ấy nếu như không có chuyện gì xảy ra thì ba đã chở con đến nhà bạn con để viếng ba nó vừa mới mất, mặc dù nhà nó xa nhưng khi nghe con kể ba đã nói con phải đi, không có nỗi đau nào lớn như khi mất đi người mình yêu thương, con không làm được gì lớn cho bạn thì hãy đến thắp nén nhang tiễn chú ấy về nơi an nghỉ và động viên bạn ấy cố gắng lên trong cuộc sống để làm chỗ dựa cho mẹ và những người thân; ba còn phải chở con đến nhà chị gái để thăm đứa cháu ngoại bé nhỏ mà ba cưng chiều. Con vẫn không sao quên được câu nói mà ba đã đùa khi lần trước đó ba đến thăm nó “sao tay cháu nhỏ mà trắng trẻo xinh xắn quá còn tay ông to, đen và chai sạn đi nhiều”. Câu nói đó đến giờ vẫn còn là mũi kim châm đau trong lòng con mỗi lần nghĩ lại hay ngắm nhìn đứa cháu từng ngày lớn lên, qua những thăng trầm của cuộc sống, những lo toan tính toán bộn bề cho gia đình thì bàn tay của ba đã chai sạn, mái đầu ba đã bạc hơn trước duy chỉ có tình thương con, mong cho con ăn học nên người là cháy mãi trong lòng ba. Ba hiếm khi nói ra những tâm sự của mình nhưng sự tinh ý của một đứa con gái con thấu hiểu được nỗi lòng của ba từ lúc con biết nghĩ. Và còn còn nhiều thứ nữa mà ba vẫn còn dang dở.

Cái ý nghĩ không vào Nha Trang nhập học của con bị dập tắt ngay khi gia đình mình họp lại. Và chính con cũng thấy được rằng không được sống mãi với cái quá khứ đau buồn đó, gia đình nhiều người còn khổ, còn khó khăn gấp bội mình mà họ còn học tốt, học giỏi, sống tốt và thành công được nữa huống gì mình, đây mới chỉ là thách thức nhỏ trong vô vàn những khó khăn lớn đang đợi mình ở phía trước hãy nuốt nước mắt vào trong để mà đi tiếp.

Cũng gần đến ngày con phải xa nhà, con phải vào Nha Trang nhập học và lần này ba không bận nhưng ba đã không đồng hành cùng con, ba đã thất hứa lần đầu và cũng không bao giờ còn có được lần cuối. Còn nhớ những năm học cấp một, cấp hai, mỗi lần lên huyện hay xuống tỉnh tham gia các cuộc thi mặc dù đã có xe đón đưa đi, có thầy cô đi cùng nhưng ba đâu có yên tâm, ba luôn là người đồng hành với con dù có bận đến cỡ nào. Ngày đó con cũng khó chịu khi bạn bè cứ nói “sao ba mày đi cùng mày hoài vậy? Tụi tao đi một mình cũng có sao đâu”, tối đó khi về nhà con đã nói với ba “lần sau mà con có đi ba để con tự đi nhé, con không có sao đâu, để con tự đi một mình chứ mấy đứa cứ chọc con hoài”. Nhưng lúc đó với những suy nghĩ còn non nớt con chỉ nghĩ đến cảm giác của mình khi bị bạn bè chọc, bị nói này nói nọ nhưng con đâu biết rằng vì lo cho con, vì muốn con an tâm hơn để có thể thi đạt kết quả tốt nên ba mới phải đi theo chứ có biết bao nhiêu công việc đang chờ ba phải giải quyết thậm chí ba phải làm đến khuya những ngày sau đó.Theo đúng nghĩa thì lúc này đây con phải vui vì rồi đây con sẽ được sống được học tập trong một môi trường mới, một ngôi trường mới có bề dày truyền thống, đươc viết tiếp ước mơ trên giảng đường đại học, được gặp thầy cô những người sẽ cho con thêm nhiều kiến thức, có thêm những người bạn mới để sẻ chia cùng con những niềm vui nỗi buồn của những người con xa nhà. Nhưng niềm vui trong con thì ít mà nỗi buồn, sự lo lắng thì nhiều.

Rồi cái ngày ấy cũng đến, chưa tròn một tháng ngày ba đi xa, con đã đến với mảnh đất này, đến với ngôi trường này bằng sự gửi gắm cho chị ban thân của chị gái con và chị cùng trường cấp 3 học trên con hai khóa. Mọi thứ diễn ra suông sẽ và con giờ đã là tân sinh viên của trường, chọn ký túc xá để ở nhằm tiện cho việc sinh hoạt, đi lại cũng như để trải nghiệm cuộc sống sinh viên. Ngày đầu tiên quay mặt vào tường con đã khóc như mưa, có phải con nhớ nhà? có phải con nhớ ba? Mấy đứa bạn cùng phòng được ba tụi nó dẫn vào nhập học, được lo mua sắm đồ đạc và sắp xếp nhiều thứ, được dẫn đi ăn khuya, đư

Share your thought